Thời gian qua VPLS Trọng Hải & Cộng sự đã nhận được rất nhiều câu hỏi thông qua Email của Văn phòng về việc hưởng BHXH một lần được quy định trong Luật BHXH 2014.
Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi(có hiệu lực từ ngày 01/01/2016)có nhiều chế độ chính sách được hoàn thiện đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động(NLĐ); sẽ mở rộng nhiều đối tượng tham gia, nhất là lao động khu vực phi chính thức và đặc biệt, NLĐ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH; chế độ thai sản linh hoạt hơn, tỷ lệ đóng hưởng BHXH công bằng hơn... Trong đó, quy định tại Điều 60 Luật này năm 2014 sẽ tạo điều kiện cho NLĐ hưởng nhiều quyền lợi hơn quy định trước đây.
Theo Điều 55 Luật BHXH 2006, NLĐ sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết chế độ BHXH một lần, nay theo Điều 60 Luật BHXH 2014, các trường hợp được hưởng BHXH một lần thu hẹp hơn trước. Cụ thể, đối tượng hưởng BHXH một lần là NLĐ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, bại liệt, lao nặng, phong, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.. Đối với những trường hợp khác được bảo lưu thời gian tham gia BHXH để khi có việc làm thì NLĐ tiếp tục đóng hoặc người tham gia BHXH chưa đủ thời gian thì tham gia BHXH tự nguyện để lúc về già được hưởng lương hưu...
Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định:
“1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Ngày 22/6/2015 Quốc hội đã họp thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ sau một năm nghỉ việc.
Theo đó, việc Nghị quyết được thông qua, NLĐ sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Về nguyên tắc, quy định này nhằm khuyến khích NLĐ bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu theo quy định thay vì nhận BHXH một lần. Khi NLĐ trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu sau này.
Với các trường hợp khác, Luật BHXH khuyến khích NLĐ có thể bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH. Sau đó, tiếp tục tìm việc làm, tham gia BHXH để có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi về già. NLĐ tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ thời gian quy định có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2014 cho phép NLĐ chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng có thêm nhiều quyền lợi hơn, cụ thể: Được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...
Cũng theo Nghị quyết, Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (năm 2014).
Nghị quyết cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trên cơ sở đó, vẫn tiếp tục áp dụng điều 55 Luật BHXH 2006 về quy định hưởng BHXH một lần đến năm 2020; đồng thời giữ nguyên Điều 60 Luật BHXH 2014.