Địa chỉ: Số 68B Trương Vân Lĩnh, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An
Hotline: 0911 88 11 22

..: Tư vấn quyền nuôi con

Làm thế nào để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?

Cập nhật: Thứ 3, ngày 27/07/2021
Lượt xem: 1211
vợ/ chồng không chăm sóc tốt cho con, muốn giành lại quyền nuôi con làm như thế nào?
 
Làm thế nào để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?
Hỏi: Thời điểm ly hôn, do con còn chưa đủ 36 tháng tuổi nên Tòa án quyết định vợ tôi là người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, tôi phát hiện vợ tôi không chăm lo cho con đầy đủ, thường xuyên gửi con sang nhà hàng xóm nhiều ngày liền không hỏi han. Thế hiện tại tôi có thể mang con về nuôi hay không? Có cần làm thủ tục gì không?
Đáp:
Chào bạn, thật lấy làm tiếc vì trường hợp bạn gặp phải. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn không thể tự ý tới mang con về nuôi bởi vì Tòa đã giao quyền trực tiếp nuôi con cho vợ cũ của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Đầu tiên, bạn hãy thử chủ động liên lạc, thỏa thuận cùng vợ cũ của bạn việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Nếu thỏa thuận đạt thành, bạn cùng vợ cũ gửi đơn tới Tòa án cấp huyện nơi một trong hai người cư trú yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trong trường hợp, thỏa thuận không thành, bạn vẫn có thể tiến hành gửi đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ cũ của bạn thường trú hoặc tạm trú. Căn cứ quy định tại điều 84 luật hôn nhân gia đình 2014:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
 
Theo đó, bạn phải chứng minh được việc vợ bạn thường xuyên gửi con sang nhà hàng xóm nhiều ngày liền mà không hỏi han chăm sóc. Đồng thời, bạn cần chứng minh bản thân bạn có công việc, thu nhập ổn định, giờ giấc thoải mái có thể chăm sóc con mỗi ngày. Lưu ý, pháp luật cũng quy định, nếu tại thời điểm thay đổi người trực tiếp nuôi con, con bạn đã đủ 7 tuổi thì Tòa án cũng sẽ xem xét nguyện vọng của con.
Để khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con (theo mẫu số 23-DS)
- Quyết định, bản án ly hôn (bản sao).
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao).
- Giấy khai sinh của con (bản sao).
- Chứng cứ chứng minh về việc vợ cũ của bạn không quan tâm, chăm lo cho con.
 
Nếu còn có bất cứ điều gì thắc mắc các bạn có thể liên hệ qua các cách sau:
Hotline: 0911 88 11 22.
Email: liemlstt@gmail.com
Địa chỉ: Văn phòng luật sư Tuổi Trẻ, Số 68B Trương Vân Lĩnh, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.
 
 
Các tin liên quan: