Địa chỉ: Số 68B Trương Vân Lĩnh, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An
Hotline: 0911 88 11 22

..: Tin tức

Hãng bia Nhật cắt hợp tác với công ty thuộc quân đội Myanmar

Cập nhật: Thứ 6, ngày 05/02/2021
Lượt xem: 270
Hãng bia Kirin của Nhật Bản tuyên bố chấm dứt hợp tác liên doanh với tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.
 

Hãng bia Nhật cắt hợp tác với công ty thuộc quân đội Myanmar

Hãng bia Kirin của Nhật Bản tuyên bố chấm dứt hợp tác liên doanh với tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.

"Trong tình hình hiện tại, chúng tôi không còn lựa chọn nào ngoài chấm dứt quan hệ liên doanh với MEHL, công ty cung cấp dịch vụ quản lý quỹ phúc lợi cho quân đội Myanmar", hãng bia Nhật Bản Kirin hôm nay thông báo.

Kirin là cổ đông lớn trong hai công ty Bia Myanmar và Bia Mandalay liên doanh với MEHL, tập đoàn có nhiều hoạt động kinh doanh trải rộng khắp Myanmar. Kirin nắm cổ phần kiểm soát Bia Mandalay năm 2017 sau khi bỏ ra 4,3 triệu USD. Công ty cũng đầu tư hơn 500 triệu USD vào Bia Myanmar năm 2015.

Bia Myanmar là thương hiệu nổi tiếng Myanmar, chiếm thị phần gần 80%, theo số liệu do Kirin công bố năm 2018.

Kirin gây chú ý trong thời gian dài vì quan hệ với các nhà máy bia thuộc sở hữu của quân đội Myanmar. Hồi tháng 1, hãng thông báo kết thúc cuộc điều tra "không có kết quả" về việc liệu doanh thu từ hoạt động liên doanh của họ có tài trợ cho các hành vi bị cáo buộc là "vi phạm nhân quyền" ở Myanmar hay không .

Người dân Myanmar phản đối quân đội đạo chính trước cổng Đại học Y Mandalay, thành phố Mandalay, Malaysia, hôm 4/2. Ảnh: Reuters
 

Người dân Myanmar phản đối quân đội đảo chính trước cổng Đại học Y Mandalay, thành phố Mandalay, Malaysia, hôm 4/2. Ảnh: Reuters

Kirin khởi động cuộc điều tra sau áp lực từ nhiều nhóm nhân quyền và thanh tra Liên Hợp Quốc về cách Myanmar đối xử với người dân tộc thiểu số Rohingya. Myanmar bị cáo buộc tội "diệt chủng" ở tòa án Liên Hợp Quốc sau khi quân đội nước này bị tố cáo đàn áp người Hồi giáo Rohingya năm 2017, buộc hàng trăm nghìn người phải chạy sang Bangladesh tị nạn. Myanmar phủ nhận cáo buộc diệt chủng.

"Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch rời khỏi Myanmar", phát ngôn viên của Kirin cho biết. "Chúng tôi hy vọng tìm được hướng đi cho phép tiếp tục đóng góp cho Myanmar".

Công ty muốn tìm đối tác khác hoặc mua lại cổ phần của MEHL. Hoạt động kinh doanh tại Myanmar của Kirin đem lại doanh thu 309 triệu USD năm tài chính 2019-2020, chiếm chưa tới 2% tổng doanh thu hàng năm của công ty.

Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng sáng 1/2, vài giờ trước cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới được bầu từ cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020, trong đó đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử, buộc họ phải quyết định "hành động theo luật pháp".

Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar".

Trong khi đó, một số quốc gia thành viên ASEAN như Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc quân đội bắt bà Suu Kyi và giành quyền lực là "vấn đề nội bộ của Myanmar".

 

Hồng Hạnh (Theo AFP)
Nguồn: Báo VnExpress