Địa chỉ: Số 68B Trương Vân Lĩnh, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An
Hotline: 0911 88 11 22

..: Tin tức

Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vì lợi ích công, không có chuyện thỏa thuận

Cập nhật: Thứ 7, ngày 31/05/2025
Lượt xem: 43
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết quy định khởi kiện của Viện Kiểm sát nhân dân vì lợi ích công, vì cái chung thì không có chuyện nộp án phí hay thỏa thuận.
 
Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vì lợi ích công, không có chuyện thỏa thuậnViện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Phạm Đông

Ngày 29.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị tiếp tục làm rõ về đối tượng có thể bị khởi kiện để báo cáo với Quốc hội trước khi xem xét, thông qua.

Theo đại biểu, khái niệm lợi ích công cộng, mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng về bản chất lại phức tạp và đa chiều. Nhìn chung, nó có thể được chia thành 2 loại:

Thứ nhất, lợi ích quốc gia bao gồm các ưu tiên chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội cần thiết cho sự ổn định và phát triển lâu dài của một quốc gia. Bất kỳ tác hại nào đối với các ưu tiên này đều cấu thành hành vi vi phạm lợi ích công cộng.

Thứ hai, lợi ích công cộng xã hội đề cập đến các lợi ích chung mà xã hội chia sẻ, bao gồm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quyền sống, quyền công dân và thúc đẩy công bằng và công lý.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn. Ảnh: Phạm ĐôngĐại biểu Lê Thanh Hoàn. Ảnh: Phạm Đông

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND tối cao - cho biết, về phạm vi khởi kiện, một số đại biểu băn khoăn đối tượng khởi kiện có phải cơ quan quản lý hành chính hay chính quyền không.

Theo ông Tiến, quá trình nghiên cứu dự án Nghị quyết này trên cơ sở hai đề án và nghiên cứu báo cáo của Bộ Chính trị.

Một là đề án về khởi kiện dân sự để bảo vệ lợi ích công và những người yếu thế, còn lại gọi là tố tụng dân sự công ích.

Đề án thứ hai là khởi kiện về hành chính để bảo vệ lợi ích công, không có người yếu thế.

Nội dung này đã được Bộ Chính trị thông qua bằng Nghị quyết 120, đồng ý với đề án thứ nhất. Còn đề án về khởi kiện hành chính hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu và báo cáo trong thời gian tới.

Hai vấn đề này thuộc lĩnh vực tố tụng khác biệt nên đối tượng khởi kiện trong nghị quyết này không phải là các cơ quan công quyền, tạm gọi là tố tụng dân sự.

Cho rằng các băn khoăn của đại biểu là rất đúng, Viện trưởng cho biết, khởi kiện lần này không phải là cơ quan có thẩm quyền mà chỉ là các tổ chức gây ra thiệt hại hoặc đối tượng các chủ thể nhưng không phải do cơ quan có thẩm quyền.

Về đối tượng khởi kiện, các đại biểu đồng tình cao với 4 lĩnh vực công và nhóm người yếu thế. Viện trưởng cho biết đây là vấn đề rất lớn và rất rộng, nhưng vì thí điểm cho nên chỉ lựa chọn một số lĩnh vực để thí điểm.

Về tư cách khởi kiện của VKSND, Viện trưởng cho biết khởi kiện của VKSND khác với khởi kiện dân sự. Đây là bảo vệ thực hiện công quyền, quản lý trật tự của Nhà nước và đảm bảo trật tự xã hội nhưng không đến mức hình sự.

"Quy định khởi kiện của VKSND vì lợi ích công, vì cái chung thì không có chuyện nộp án phí và không có chuyện thỏa thuận", Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nói.

Đây là xu hướng chung để xây dựng tố tụng, đảm bảo vẫn bảo vệ trật tự pháp luật cũng như bảo vệ lợi ích chung liên quan đến nhiều người hoặc những người yếu thế mà không có điều kiện để được bảo vệ.

Ông cho biết kiểm soát nhưng cũng không ảnh hưởng độc lập xét xử của tòa án, bởi vì tòa cũng là người quyết định.
Tác giả: PHẠM ĐÔNG
Nguồn: Báo Lao động